Tết Đoan Ngọ: Người Hàn Quốc có “diệt sâu bọ” vào ngày này như người Việt Nam không?
Tết Đoan Ngọ, hay quen gọi trong tiếng Việt là Tết diệt sâu bọ, tết nửa năm… rơi vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm. Năm 2020, Tết Đoan Ngọ rơi vào thứ Năm, ngày 25/6/2020 (theo dương lịch).
Trong tiếng Hàn, Tết Đoan Ngọ được gọi là Dano (단오) hay Surit-nal (수릿날). Tuy không phải ngày quốc lễ và được kỉ niệm với quy mô lớn như Tết Trung Thu Chuseok hay Tết Nguyên Đán Seollal, nhưng Tết Đoan Ngọ cũng có ý nghĩa rất lớn trong đời sống văn hoá tinh thần của người Hàn Quốc từ xưa đến nay.
Tết Đoan Ngọ của người Hàn Quốc.
Ngoài cách gọi theo âm Hán là Da-no (단오), cũng là Đoan Ngọ, người Hàn Quốc còn có tên gọi khác là Surinal (수릿날). Ở đây, “Suri” có nghĩa là “Thần”, là “cao”, tức là vị thần tối cao, ám chỉ mặt trời. Tết Đoan Ngọ báo cho mọi người biết ánh nắng chói chang của mùa hè sắp lan tỏa khắp nơi, cây cối hoa màu cũng sắp tới thời điểm sinh trưởng tốt tươi nhất trong năm.
Tuy có cùng tên, cùng ngày lễ với Việt Nam và Trung Quốc nhưng nguồn gốc ngày lễ Đoan Ngọ ở Hàn Quốc cũng có những khác biệt về cơ bản.
Dựa theo nguồn gốc của lễ hội này thì Tết Đoan Ngọ gắn liền với lễ cúng hai vị thần linh thiêng của vùng Gangwon là thờ tướng quân Kim Yu Shin của vương quốc Silla làm thần núi (Sơn thần) của vùng đèo Daegwallyeong (대관령산신) và thờ nhà sư Phiếm Nhật (범일국사, 810~889) triều đại Silla làm quốc sư Thành Hoàng (대관령국사성황) (tức thần Thành Hoàng). Đây là hai vị thần trấn ải đèo Daegwanryeong được coi là cửa ngõ của vùng Gangneung.
Theo quan niệm dân gian thông thường, Tết Đoan Ngọ là dịp cầu nguyện cho một mùa màng bội thu, không bị sâu bệnh phá hoại. Vào thời điểm này ở Hàn Quốc, việc cấy lúa đã hòm hòm, những người lao động sẽ được dịp hoà mình trong những màn nhảy múa ca hát tưng bừng.
Một tiết mục thú vị trong ngày Lễ hội Tết Đoan Ngọ vùng Gangneung chính là màn nhảy múa ca hát này được đặt tên là “Gwanno Gamyeongeuk” tức là “kịch mặt nạ của những người nô bộc”.
Ngoài vùng Gangneung ra còn có múa mặt nạ vùng Eunyul và Bongsan, tỉnh Hwanghae (Bắc Hàn), Gangneung, Sandae vùng Gyeonggi… Đa phần đây là những màn diễn tấu mang nội dung chế nhạo, trào phúng giới thượng lưu trong xã hội phong kiến.
Một phần không thể thiếu trong Tết Đoan Ngọ tại Hàn Quốc là các trò chơi dân gian.
Nam giới sẽ khẳng định sức mạnh của mình với trò đầu vật (Ssireum, 씨름). Khu vực thi đấu là một vòng tròn viền cát dày. Hai đối thủ quỳ trên cát, nắm chặt satba (샅바, một loại thắt lưng của người Hàn Quốc) của đối phương. Người thắng cuộc sẽ là người hạ đo ván đối thủ dưới đất, với điều kiện không một bộ phận nào của cơ thể đối thủ được cao hơn gối của người thắng. Phần thưởng cho nhà vô địch trong cuộc thi này là một con bò to khỏe.
Tết Đoan Ngọ cũng là ngày người phụ nữ Hàn Quốc được giải phóng ra khỏi bốn bức tường nhà, được phép tìm tới những dòng suối trong veo, mát lạnh để gội đầu, hay chơi đánh đu dưới bầu trời trong xanh cao vút.
Gội đầu cho các bé gái để tái hiện lại phong tục truyền thống trong ngày Tết Đoan Ngọ ở Hàn Quốc.
Đến cả các cô gái đài các giới thượng lưu ngày thường chỉ quanh quẩn trong dinh thự, nhưng tới ngày Tết Đoan Ngọ cũng được cha mẹ cho phép ra ngoài ngắm cảnh. Người Hàn Quốc còn bông đùa với nhau rằng Đoan Ngọ là “Ngày bà góa đi lấy chồng” và là “ngày lấy đá làm gối ngủ”.
Trường ca hát kể chuyện Pansori “Xuân Hương ca” (춘향전) cũng có đoạn tả cảnh chàng Lý Mộng Long phải lòng Xuân Hương khi thấy nàng chơi đánh đu trong ngày Tết Đoan Ngọ. Không chỉ đối với cỏ cây và vạn vật trên thế gian, Tết Đoan Ngọ còn là ngày khởi nguồn những mối tình đầu trong sáng nồng cháy.
Vào Tết Đoan Ngọ, người Hàn Quốc ăn 2 loại bánh truyền thống đó là Suritteok (수리떡, 수리취절편) và Yaktteok (약떡).
Món Suritteok có tên xuất phát từ từ Sure (수레) nghĩa là bánh xe. Bánh làm từ lá ngải cứu trần lấy nước, trộn cùng bột gạo. Bánh có màu xanh và được nặn giống hình bánh xe.
Bánh Yaktteok được làm từ gạo không dính nấu chín nhưng không phải với lá ngải cứu mà với các loại hạt khác nhau và tạo thành những hình dáng đa dạng. Đây là một đặc sản của vùng phía nam tỉnh Jeolla.
Vào ngày này, người Hàn Quốc thường tặng nhau những chiếc quạt xinh xắn bởi người Hàn Quốc có câu: “Dano tặng quạt, đông chí tặng lịch”. Dịp Tết Đoan Ngọ thường diễn ra vào những ngày đầu hè vì vậy những chiếc quạt là món quà truyền thống hấp dẫn mà người Hàn Quốc thường trao tặng nhau để xua tan đi những cái nóng trong hè sắp tới.
Phong tục này đã đươc hình thành và duy trì từ thời Joseon. Thậm chí, chính nhà vua cũng tặng quạt cho các cận thần theo chức vụ từ cao tới thấp.
Trong xã hội hiện đại ngày hôm nay, những phong tục về ngày Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam và Hàn Quốc đã bị mai một đi nhiều. Tuy nhiên, theo quy luật tuần hoàn khí tiết thì đây ngày có dương khí thịnh nhất trong năm, nên nếu có dịp, các bạn đừng bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm những nét văn hoá truyền thống và lan toả nguồn năng lượng tích cực của bản thân cho gia đình và những người xung quanh, đúng theo tinh thần của ngày Tết này nhé!
XEM THÊM: Từ vựng tiếng Hàn giao tiếp hàng ngày!