• Trang chủ / TIN TỨC / NIỀM VUI CỦA MÌNH KHI HỌC NGOẠI NGỮ

    NIỀM VUI CỦA MÌNH KHI HỌC NGOẠI NGỮ

    Mình đã học tiếng Hàn được gần 1 tháng. Trong khoảng thời gian tự học này, mình đã có những trải nghiệm rất mới mẻ và thú vị xoay quanh việc học một ngoại ngữ mới. Mình tìm thấy những niềm vui nho nhỏ từ việc học tiếng Hàn. Và đây cũng là chủ đề chính của bài viết ngày hôm nay.

    Lần cuối bạn cảm thấy vui khi học ngoại ngữ là khi nào?

    Có bao giờ bạn tự hỏi bản thân, học ngoại ngữ thế nào là vui?

    Mỗi người có một khái niệm về “niềm vui” trong việc học ngoại ngữ. Vì vậy rất khó để có thể tìm ra được một lời giải thích chung. Thậm chí có những người chẳng bao giờ tìm thấy niềm vui khi học ngoại ngữ, đơn giản vì họ bắt buộc phải học ngôn ngữ đó.

    Lấy ví dụ là tiếng Anh. Mình đã từng là một người rất ghét tiếng Anh. Ghét cay ghét đắng luôn. Hễ cứ nghe đến chuyện phải làm mấy bài tập đánh trọng âm rồi đổi sang thể bị động là mặt mình xị lại. Thế nhưng, nhờ việc giao tiếp và nói chuyện với người nước ngoài mà ấn tượng của mình đối với tiếng Anh phần nào được cải thiện. Mình cảm thấy vui khi mình đủ khả năng để truyền đạt cho họ những gì mình muốn nói, mình cảm thấy vui khi thấy họ mỉm cười vì đã nghe và hiểu được câu chuyện của mình, và mình bắt đầu thích tiếng Anh hơn.

    Đó chỉ là một ví dụ rất điển hình. Còn bây giờ, mình muốn chia sẻ với mọi người, trước tiên là về những niềm vui mình tìm thấy khi bắt đầu học ngoại ngữ mới, cụ thể là tiếng Hàn. Sau đó sẽ là niềm vui trong việc học và duy trì tiếng Anh lẫn tiếng Nhật.

    Niềm vui từ việc học một ngoại ngữ mới.

    Sau 1 tháng, mình đã thuộc hoàn toàn bảng chữ cái Hangul của tiếng Hàn. Dù đôi khi mình vẫn khựng lại ở những cụm từ có phụ âm kép (double batchim), hay là một số cách đọc đặc biệt, nhưng nhìn chung là mình đủ khả năng để có thể đọc được hangul ở trong mọi trường hợp.

    Nhờ học được hangul mà giờ đây mình đã có thể đọc được những gì bạn mình viết trên Instagram. Có những từ thậm chí mình còn biết luôn cả nghĩa, nhờ việc xem phim Hàn, ví dụ như là “oreman” (đã lâu rồi…), “yokohama e nalssi ga teobda” (thời tiết ở Yokohama thật sự là rất nóng).

    Mình vui, vì giờ đây mỗi khi có ai đó viết tiếng Hàn, thì mình có thể nán lại và đọc qua một chút. Tất nhiên là với trình độ của mình bây giờ thì chưa đủ để hiểu được nghĩa, thế nên có những lúc mình chủ động nhắn tin cho người bạn đó, viết lại câu đó bằng chữ latinh, và hỏi nghĩa của câu đó. Thế là một cuộc hội thoại được bắt đầu. Rồi mình sử dụng chức năng thu âm của Instagram để gửi cho bạn ý lời thoại. Và như các bạn thấy ở phía dưới ảnh này. Chỉ một đoạn hội thoại ngắn thôi, nhưng nó đủ để đem lại niềm vui và động lực để học tiếng Hàn cho mình.

     

    Mình cũng rất may mắn vì có nhiều người bạn Hàn thân thiết vốn học cùng mình hồi ở Nhật. Thi thoảng bọn mình cũng nhắn tin gọi điện hỏi han với nhau, và mới đây khi gọi cho một đứa, mình đã “xổ” một tràng ở “màn dạo đầu” để khiến tên đó bất ngờ, và kết quả là bây giờ bạn ý đang là “giáo viên online miễn phí” của mình tại thời điểm hiện tại.

     

    Với chỉ một chút tiếng Hàn, mình đã cố gắng tận dụng nó vào các cuộc hội thoại thường ngày với bạn bè, để từ đó tìm kiếm được những niềm vui, sự thú vị mà các cuộc hội thoại đem lại.

    Thuộc bảng chữ cái Hangul cũng đồng nghĩa với việc giờ đây mình hoàn toàn có thể đọc lời nhạc Hàn bằng Hangul thay vì đọc bằng đọc chữ la tinh (romanization). Đọc chữ romaji (viết theo ngôn ngữ Nhật) thì tất nhiên là sẽ nhanh hơn, nhưng nhờ đọc Hangul mà mình mới biết rõ được đâu là phụ từ, phó từ, rồi một số danh từ, động từ hay tính từ khi đem đối chiếu với nghĩa tiếng Anh. Tận dụng những kiến thức mình đã học được vào việc đọc lời nhạc, mình có thể học được rất nhiều từ mới mà không cần đến flashcard.

    Đến đây, có người sẽ cho rằng, mới đọc được Hangul mà đã ra vẻ. Đọc mà không hiểu thì nói làm gì. (cứ cho đây là phiên bản Kira xấu tính thích phán xét đi).

    Dear Kira xấu tính, đối với mình, điều quan trọng nhất khi học ngoại ngữ chính là ở việc bạn tìm thấy được niềm vui từ những thành quả, những điều nho nhỏ nhất. Mình coi việc đọc được chữ Hangul thôi đã là một sự thành công nhất định, và mình vui vì giờ đây mình đã có thể đọc được Hangul, dù mình đọc vẫn chưa trôi chảy, và chưa hiểu được nghĩa.

    Đối với mình, chìa khóa giúp mình luôn tìm được niềm vui và động lực để học ngoại ngữ chính là ở việc nghĩ tới chuyện thực hiện các mục tiêu nhỏ theo thứ tự, thay vì lúc nào cũng nghĩ đến một mục tiêu lớn lao. Mình đặt mục tiêu đầu tiên là học thuộc và đọc được Hangul.

    Tiếp đó là đọc được Hangul một cách lưu loát và nhanh nhẹn, đủ bắt kịp tốc độ sub của một video của vlogger người Hàn. Sau đó mới là tìm hiểu nghĩa. Chậm mà chắc. Chia nhỏ công đoạn học tập đồng nghĩa với việc tần suất bạn đạt được mục tiêu đó nhiều hơn, bạn sẽ vui nhiều hơn, và nếu cứ duy trì được cảm xúc vui vẻ đó thì chắc chắn việc học sẽ trở nên có hứng thú hơn.

    4

    Tất nhiên, đây mới là bước đi đầu trong hành trình học tiếng Hàn của mình. Có thể càng về sau mình sẽ trải nghiệm những “cung bậc cảm xúc” khác nhau, ví dụ như mất sự nhiệt huyết, gặp phải bế tắc,… nhưng mình không nghĩ xa đến chuyện học sau này như thế nào. Thay vào đó những gì mình muốn làm là tập trung vào việc học hiện tại, và tìm kiếm những niềm vui nho nhỏ từ mỗi thành quả mình đạt được trong quá trình học.

    Niềm vui từ việc học và duy trì vốn ngoại ngữ sẵn có

    Học ngoại ngữ mới luôn kèm theo một sự háo hức nhất định, và những niềm vui mà mình có được từ việc học tiếng Hàn đều là trải nghiệm hoàn toàn mới đối với mình. Vậy thì tiếng Nhật hay tiếng Anh thì sao? Mình có thấy vui khi đang học và sử dụng nó?

    Có thể nó không phải vui theo kiểu “háo hức” như tiếng Hàn, nhưng ngay ở chuyện mình sử dụng đồng thời tiếng Anh và tiếng Nhật trông cuộc sống hàng ngày đã là một điều gì đó khiến mình vui, vì mình cảm thấy thành quả học suốt gần chục năm giờ đây đã được sử dụng và trở nên quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày, và mình thấy không bị lãng phí những năm học đó.

    Giờ đây mình sử dụng tiếng Anh lẫn tiếng Nhật vào rất nhiều hoạt động sinh hoạt hàng ngày, từ chuyện viết nhật ký bằng tiếng Anh, đọc sách tiếng Anh cho đến việc viết blog bằng tiếng Nhật. Dù nó đã trở thành một thói quen mà mình không còn coi nó là việc học ngoại ngữ, nhưng mình vẫn tìm thấy những niềm vui trong việc sử dụng tiếng Anh và tiếng Nhật.

    Sau đợt học và ôn thi N1 (tiếng Nhật), mình cảm thấy khả năng viết blog tiếng Nhật của mình được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là ở khoản từ vựng. Có những lúc khi đang viết một câu, bỗng dưng mình nhớ ra được một từ miêu tả một buổi sáng trong lành là “sugasugashi”, và trong một lát mình mỉm cười và tự “sướng” với bản thân rằng “uầy, thế là có thể áp dụng được từ vựng N1 vào việc viết blog nè”.

    Viết blog tiếng Nhật vừa giúp mình duy trì tiếng Nhật, vừa giúp mình tăng cường sự giao tiếp với chính những người Nhật khác. Mình vui vì nhận được comment rằng mình viết tiếng Nhật rất tốt, thậm chí là nội dung mình viết rất bổ ích, đối với chính người Nhật.

    Niềm vui mình tìm thấy ở đây không còn là từ việc học ngoại ngữ, mà là từ việc sử dụng ngoại ngữ đó cho một điều khác lớn lao hơn. Đối với mình đó là việc viết blog tiếng Nhật, hay là việc đọc sách tiếng Anh.

    Niềm vui này nghe nó “lớn lao” hơn so với niềm vui “háo hức” mà mình có được từ việc học ngoại ngữ mới, nhưng chung quy lại, nó đều là những niềm vui mà mình đã tìm được trên hành trình học, duy trì và sử dụng ngoại ngữ.

    Kết

    Niềm vui ở việc học ngoại ngữ đối với mình là gì?

    Là khi mình đọc được chữ Hàn mà bạn mình viết trên Instagram.

    Là khi mình đọc được lời nhạc Hàn bằng chữ Hangul chứ không còn là romanized.

    Là khi mình biến được việc học ngoại ngữ trở thành một điều quen thuộc trong cuộc sống, khi đó nó không còn là “học” mà trở thành “sử dụng” ngoại ngữ.

    Là khi mình sử dụng vốn ngoại ngữ đó cho một điều gì đó lớn lao hơn.

    Là khi mình sử dụng tiếng Nhật để viết blog và nhận được phản hồi tích cực từ chính người Nhật.

    Là khi mình đọc sách tiếng Anh và tiếp cận được những thông tin hữu ích mà đôi khi sách tiếng Việt không có.

    Những niềm vui này trải dài từ mức độ nho nhỏ đến lớn lao, gộp lại thành một niềm vui bất tận giúp mình luôn giữ được một nguồn động lực để tiếp tục học và duy trì ngoại ngữ.

    Nguồn: thehanoichamomile

    ĐĂNG KÝ HỌC THỬ MIỄN PHÍ
    (Đăng ký ngay để trải nghiệm hệ thống học ngoại ngữ giao tiếp đã giúp hơn 10.000 học viên thành công trên con đường chinh phục ngoại ngữ.
    Và giờ, đến lượt bạn ... )

      Cùng chuyên mục

      Đăng

      nhận

      vấn